Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của tín dụng chính sách đối với công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, thời gian qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vân Canh đã tranh thủ được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, thực hiện có hiệu quả công tác tín dụng chính sách trên địa bàn.
Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách được triển khai nghiêm túc, bài bản đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể về vai trò quan trọng của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội của địa phương, từ đó tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong kế hoạch công tác của địa phương, đơn vị; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình. Ban Thường vụ Huyện đoàn chỉ đạo Đoàn Thị trấn và Đoàn xã Canh Thuận thường xuyên phối hợp, tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống Đài phát thanh, các buổi sinh hoạt chi đoàn về các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước, của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; các mô hình, gương tiêu biểu sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách… tạo sự đồng thuận cao trong triển khai, thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn.
Phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn trong huyện mở điểm giao dịch tại trụ sở UBND xã, thị trấn tạo điều kiện cho khách hàng giao dịch thuận lợi. Thông qua hoạt động của các điểm giao dịch xã, các chính sách tín dụng ưu đãi, kết quả hoạt động tín dụng chính sách được công khai, giúp cấp ủy Đảng, chính quyền kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hồ sơ vay vốn, thu tiền gốc, tiền lãi.
Hàng năm, Ban đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã xây dựng chương trình và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Huyện đoàn cũng thực hiện công tác kiểm tra định kỳ 01 năm 2 lần tại các hộ vay, tổ vay, Đoàn xã và gửi báo cáo về Ngân hàng CSXH huyện đảm bảo theo yêu cầu. Định kỳ hàng quý, tại các cuộc họp giao ban của huyện với lãnh đạo các xã, thị trấn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện báo cáo kết quả thực hiện công tác tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; tham mưu với Huyện ủy, UBND, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện kịp thời chỉ đạo thực hiện tốt công tác tín dụng ưu đãi trên địa bàn... Nhờ đó, thời gian qua công tác tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện Vân Canh đã đạt được những kết quả tích cực.
Đến nay, riêng Đoàn thanh niên huyện, tổng dư nợ hơn 16 tỷ đồng với 410 hộ vay, không còn trường hợp nợ quá hạn, các hộ tham gia vay vốn đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích để đầu tư phát triển sản xuất theo các chương trình đã đăng ký, đa số các chương trình hiện đang phát triển tốt góp phần giúp hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo, giúp tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, giúp hội viên yên tâm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những mặt chưa thật sự hiệu quả, do trình độ nhận thức còn hạn chế, việc tiếp cận tiến bộ kỹ thuật không được thường xuyên nên hiệu quả sử dụng vốn vay chưa cao, không có lãi, làm ảnh hưởng đến nguồn vốn vay ban đầu, gây khó khăn trong việc trả nợ, trả lãi.
Thông qua việc vay vốn, việc huy động tiền gửi của hộ vay qua tổ tiết kiệm và vay vốn đã tạo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với các dịch vụ tài chính, tạo thói quen tiết kiệm tích lũy.
Hoạt động tín dụng chính sách càng gia tăng hiệu ứng với việc triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội từ năm 2014 cũng góp phần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực thi, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội, thay đổi nhận thức rõ rệt hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị của địa phương.
Chỉ thị cũng đã tạo ra sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, cụ thể: đã bố trí 100% Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện; quan tâm hỗ trợ NHCSXH về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác, cân đối nguồn vốn ủy thác cho NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn.
Hội đoàn thể các cấp đã quan tâm hơn đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, chỉ đạo cấp cơ sở phối hợp tốt với NHCSXH trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; thực hiện công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động tại những địa bàn còn chưa tốt; tăng cường kiểm tra giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội...
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Huyện đoàn đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:
1. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị 40-CT/TW và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến vấn đề tín dụng chính sách xã hội, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, Mặt trận và các hội, đoàn thể về tín dụng chính sách xã hội trong tình hình mới. Xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần ổn định chính trị của địa phương.
2. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách tín dụng xã hội đến từng hộ dân, người dân trên địa bàn huyện, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số,...
3. Thường xuyên rà soát củng cố, kiện toàn và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng hoạt động đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ ủy thác, Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn.
4. Định kỳ tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng xã hội; sơ kết, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị; kịp thời khen thưởng để động viên nhân tố tích cực, khắc phục những yếu kém, tồn tại để tổ chức thực hiện Chỉ thị tốt hơn cho những năm tiếp theo./.