ĐỒI ĐÁ HUÊ
Đá Huê là một khu đồi nằm độc lập ở Làng Hòn Mẻ xã Canh thuận, cạnh bên Quốc lộ 19C, cách lề đường 10m, cách đường sắt Bắc – Nam 20m, ngọn đồi có chiều dài khoảng 50m, chiều rộng 30m, cao 63m so với mực nước biển, với diện tích 1.500m2. Trên đồi đá hoa cương nằm chồng chất lên nhau, trên đỉnh là mỏm đá trắng ngã vàng sọc xen lẫn với cây rừng tự nhiên. Mặt phía Tây giáp với đường Quốc lộ là những tản đá bao quanh che chắn, chiều cao của lớp đá này khoảng 10m, phía đông là những triền đồi chạy giáp với sông Hà Thanh.
Di tích lịch sử Đồi Đá Huê
Cách Đồi Đá Huê về phía Nam 1km là nơi diễn ra trận đánh đoàn tàu quân sự của địch năm 1961 của lực lượng vũ trang huyện và bộ đội chủ lực. Trận đánh này bộ phận chỉ huy đóng tại phía Tây – Nam Đồi Đá Huê. Đúng 16 giờ ngày 06/10/1961 ta xuất quân, chỉ đánh tại phía Tây – Nam Đồi Đá Huê, còn lực lượng chủ công bố trí phía Tây đường sắt. Một bộ phận chặn đánh quân tiếp viện từ Vân Canh vào, cách Đồi Đá Huê 1km. Lực lượng chủ lực của ta được bố trí ở phía Tây đường sắt dùng dây giật đường ray lật đổ đoàn tàu của địch lúc 23 giờ 30 phút, Bộ đội ta nổ súng nhanh chóng chiếm lĩnh đoàn tàu quân sự gồm 23 toa chở vũ khí, phương tiện chiến tranh và binh lính từ Sài Gòn ra tăng viện chiến trường Quân khu V. Sau 3 giờ chiến đấu ta tiêu diệt 117 tên, bắt 10 tên, phá hủy 01 đầu máy, 03 toa tàu cùng nhiều quân trang, quân dụng. Ngay hôm sau (07/10) địch cho 1 tiểu đoàn gồm 300 tên có phi cơ yểm trợ, chúng càng quét các xã Canh Sơn (Canh Thuận), Canh Lãnh, Canh Thành (Canh Hòa) tàn phá tài sản và hoa màu của nhân dân suốt 3 ngày liền mới rút quân.
Chiến thắng Đá Huê thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng vũ trang huyện Vân Canh và bộ đội chủ lực tỉnh nhằm tiêu diệt một lực lượng lớn, gây cho địch hoang mang, dao động. Chiến thắng Đá Huê góp phần làm thất bại “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Nhưng với bản chất phản động, bọn Mỹ Diệm vẫn ráo riết tiếp tục thực hiện kế hoạch “ấp chiến lược” nhằm dồn dân lập ấp, chia cắt nhân dân với cách mạng.
Ngày 27/01/1973 Hiệp định Pari ký kết, chấm dứt hoàn thoàn sự hiện diện của quân đội Mỹ và chư hầu tại miền Nam Việt Nam. Nhưng bọn xâm lược vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” sử dụng chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu tìm mọi cách phá hoại Hiệp định Pari ngay từ khi ký kết.
Tại Vân Canh chúng tăng cường quân đội và bộ máy kèm kẹp, tiếp tục mở nhiều đợt càn quét, giành dân lấn đất. Chiến thắng Đá Huê năm 1973 thể hiện lòng quyết tâm đánh địch của quân và nhân dân Vân Canh dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Mặt trận dân tộc giải phóng và chính phủ cách mạng lâm thời Công hòa miền Nam Việt Nam, buộc địch phải rút về tử thủ tại chi khu quận lỵ, chấp hành mệnh lệnh tổng tiến công, tông khởi nghĩa giải phóng toàn tỉnh ngày 31/3/1975, huyện Vân Canh cũng đồng loạt giải phóng khỏi ách thống trị, đàn áp của Mỹ ngụy.
Trải qua 21 năm chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân huyện Vân Canh đã vượt qua sự gian khổ đầy hy sinh, thách thức trong từng chặn đường lịch sử, đồng lòng, quyết tâm đánh đuổi Mỹ ngụy tiến lên giành thắng lợi cuối cùng.
Đồi Đá Huê đã minh chứng nhiều chiến công oai hùng của các dân tộc huyện Vân Canh trong suốt chặn đường kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ những năm 1954-1975. Một di tích đặc biệt chất chứa toàn những tình cảm thân thương của các đồng chí tiền bối vì Đảng vì dân, bất chấp sự hy sinh gian khổ, quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Chúng ta thế hệ hôm nay những người có trách nhiệm với tiền nhân cần phải gìn giữ, bảo vệ di tích này thể hiện lòng biết ơn sâu sắc những anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì nước, đồng thời góp phần bảo vệ vững chắc và tăng cường công tác giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau, luôn đoàn kết yêu thương con người và cuộc sống, xây dựng thành công tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, làm cho quê hương, đất nước ta ngày càng giàu đẹp như sinh thời Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng mong muốn.
Đồi Đá Huê được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng di tích lịch sử vào ngày 09/11/2012 theo quyết định số 619/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh: Di tích lịch sử Đồi Đá Huê, thuộc xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định.
Đây là niềm tự hào lớn lao của Đảng bộ, chính quyền, dân và quân huyện nhà về truyền thống đấu tranh kiên cường anh dũng trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, giành lấy độc lập, tự do cho quê hương, đất nước, đồng thời là niềm vinh dự cao quý, được UBND tỉnh công nhận, xếp hạng di tích góp phần thiết thực có hiệu quả trong việc giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.