Ngày 04/10/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng phục vụ người nghèo, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ. Phòng giao dịch NHCSXH huyện Vân Canh được thành lập theo Quyết định số 232/QĐ-HĐQT ngày 10/5/2003 của Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH và chính thức đi vào hoạt động tháng 06/2003. Sau 17 năm hình thành và phát triển; Qua 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Chỉ thị này đã đi sâu vào các tầng lớp nhân dân đặc biệt là nhân dân vùng sâu vùng xa vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Đồng thời Chỉ thị 40-CT/TW của Đảng không chỉ là thay đổi căn bản nhận thức, hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về vai trò của tín dụng chính sách xã hội, mà hơn thế nữa sự cộng hưởng sức mạnh của cả hệ thống chính trị được tăng cường và hội tụ, làm sáng hơn một chính sách tín dụng riêng giàu tính nhân văn của Đảng và Nhà nước.
Các Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã coi công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên. Từ việc nêu cao tinh thần, trách nhiệm và nhận thức trong việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội; Các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương đã quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH; tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững
Hộ sử dụng vốn vay từ NHCSXH đầu tư vào trồng rừng và nuôi hươu sao.
Mặt dù là một huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Nhưng ngay sau khi Chỉ thị 40-CT/TW ban hành, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH huyện thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Theo đó, nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH huyện thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả. Tính đến hết tháng 6 năm 2019, tổng nguồn vốn từ ngân sách huyện Vân Canh uỷ thác qua Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt 0,62 tỷ đồng. Nguồn vốn này được phân bổ kịp thời cho các đối tượng vay vốn, góp phần tiếp vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác mạnh dạn phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo bền vững.
Năm năm qua (2014-2019), Phòng giao dich NHCSXH huyện đã cho 13.358 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn (trong đó hộ dân tộc thiểu số tham gia vay vốn 5.130 lượt hộ, số tiền 134 tỷ đồng), đạt 419,1 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 312,7 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 238,7 tỷ đồng, với 5.122 khách hàng còn dư nợ, tăng 104,5 tỷ đồng (+77,9%) so với ngày 31/12/2014, số tiền vay bình quân 47 triệu đồng/khách hàng, mức cho vay bình quân gấp 1,7 lần so với trước khi có Chỉ thị. Nợ quá hạn còn 0,303 tỷ đồng (không có nợ khoanh), chiếm tỷ lệ 0,13% so tổng dư nợ, giảm 0,189 tỷ đồng (0,24%) so với trước khi có Chỉ thị.
Cũng sau 5 năm, cùng với nhiều nguồn lực khác, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đầu tư nhiều lĩnh vực, như: trong chăn nuôi bò, dê, heo đã duy trì và phát triển đàn gia súc trong huyện khoảng hơn 27.514 con; trong lâm nghiệp vốn vay đã giúp cho nhiều hộ trồng rừng cây nguyên liệu giấy, cây lấy gỗ, mỗi năm thực hiện trồng trên 1.000 ha rừng tập trung và phân tán.
Vốn tín dụng chính sách còn góp phần giúp cho 3.290 hộ gia đình thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 13.000 lao động có việc làm và thu nhập ổn định; 677 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng, sửa chữa nâng cấp trên 1.043 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, 14 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động, xây dựng mới 210 căn nhà cho hộ nghèo... Đặc biệt đã góp phần không nhỏ vào việc giảm tỉ lệ hộ nghèo của huyện từ 60,99% năm 2015 xuống còn 39,71% đến cuối năm 2018.
Với những kết quả đạt được trong 5 năm qua có thể khẳng định rằng chương trình chính sách tín dụng ưu đãi đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp không đủ điều kiện vay vốn ở các Ngân hàng thương mại. Thông qua nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội đã tạo thêm công ăn việc làm, góp phần phát triển kinh tế, ổn định tình hình xã hội tại địa phương, ngăn chặn tệ nạn tín dụng đen, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương. Mô hình tổ chức và phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hôi thông qua việc ủy thác có giá trị thực tiễn cao hợp ý Đảng, lòng dân; phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.