Vân Canh là huyện miền núi nằm về phía Tây nam tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng chừng 40 km; Toàn huyện có 6 xã và 01 thị trấn, với 48 khu dân cư (11 khu phố; 15 thôn; 22 làng) gồm 5 dân tộc chính như: Kinh, Chăm, Ba na, Thái, Tày; dân số khoảng 30 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số khoảng hơn 12 nghìn người; kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, làm nông, nương rẫy và chăn nuôi gia súc, gia cầm nên đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Trình độ dân trí giữa các vùng trong huyện có sự chênh lệch khá rõ rệt, mức sống về vật chất và tinh thần ở các địa phương vùng sâu, vùng xa còn thấp, một số nơi trong huyện vẫn còn tồn tại các hủ tục lạc hậu (Tảo hôn – tự tử…). Vân Canh vào những năm 1982-1985 đã xuất hiện Fulrô - Đề ga móc nối, cài cắm hoạt động… Đầu những năm 90 của Thế kỷ XX trên địa bàn xã Canh Thuận - Vân Canh có 1 số Việt kiều ở Mỹ về nước đã lôi kéo 1 số phần tử Ngụy quân- Ngụy quyền theo Fulrô trước đây theo đạo Thiên chúa; vận động các phần tử bất mãn chế độ chống lại chính quyền, không tham gia hội họp với các đoàn thể, từ bỏ những tập quán tốt đẹp của dân làng, không thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta… Thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/2001/NQLT-CP ngày 04 tháng 12 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới. Huyện Vân Canh đã phối hợp với các ngành của tỉnh Bình Định xây dựng Phong trào“3 không” trên địa bàn các xã miền núi của huyện là: Không để Fulrô và tổ chức Đề ga móc nối hoạt động; Không để Tôn giáo phát triển trái phép trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Không để các tập tục lạc hậu khôi phục – phát triển và nhân dân tự giải quyết những mâu thuẫn từ cơ sở.
*Nhìn lại chặng đường sau hơn 46 năm, giải phóng hoàn toàn Miền nam thống nhất đất nước, 40 năm tái lập huyện Vân Canh và gần 35 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới!
Thực hiện Quyết định Số 41/HĐBT, ngày 24/8/1981 của Chủ tịch Hội Đồng Bộ trưởng (Nay là Chính phủ) Về việc tách huyện Phước Vân thành hai huyện Vân Canh và Tuy Phước. Từ những ngày đầu tái thành lập, huyện gặp rất nhiều khó khăn: Cơ sở vật chất hầu như chưa có gì, giao thông hầu hết là đường đi bộ; Toàn huyện chưa có điện lưới; ruộng nương không có nước tưới phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên vì không có công trình thủy lợi...Đời sống của bà con đồng bào các dân tộc trên địa bàn Huyện hết sức khó khăn…
Với truyền thống và ý chí cách mạng, ngay sau khi được tái thành lập, Đảng bộ huyện đã nhanh chóng triển khai nhiều chủ trương, giải pháp nhằm khắc phục vết thương chiến tranh để ổn định, phát triển kinh tế. Với chủ trương ưu tiên phát triển nông nghiệp, tiến hành khai hoang đồng ruộng, phát động phong trào làm ruộng nước, sản xuất hai vụ trên một số diện tích đất canh tác. Gắn với công tác khai hoang, Đảng bộ huyện chỉ đạo làm thủy lợi với tinh thần khai hoang đến đâu thủy lợi đến đó, vừa triển khai các công trình thủy lợi nhỏ, vừa hướng dẫn nhân dân tận dụng các nguồn nước tưới cho đồng ruộng nhỏ lẻ, phân tán. Đồng thời , hướng dẫn nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa vào thử nghiệm các loại cây, con giống có năng suất chất lượng cao mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt , góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Chủ trương định canh, định cư được chú trọng triển khai quyết liệt có hiệu quả tạo cơ sở cho phát triển các dịch vụ công cộng như trường học, trạm y tế và các công trình phúc lợi khác đồng thời giúp nhân dân ổn định cuộc sống, xây dựng đời sống mới.
Mô hình nông lâm kết hợp, được áp dụng rộng rãi phổ biến trong cơ cấu kinh tế của huyện.Trồng, chăm sóc, khai thác bảo vệ rừng và trồng cây công nghiệp đã được triển khai có hiệu quả, góp phần tích cực gìn giữ, cải tạo tài nguyên môi trường, nhất là việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Trong phong trào đó, đã có nhiều xã triển khai phát triển kinh tế hiệu quả như xã; Canh Vinh, Canh Hiển, Canh Thuận, Canh Hòa; Đặc biệt xã vùng cao Canh liên bà con đồng bào dân tộc Ba Na cũng có kiến thức chuyển đổi giống lúa nước có năng suất cao.. đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện đáng kể; quốc phòng - an ninh không ngừng được củng cố, an ninh tuyến núi được giữ vững.
Trải qua chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, đến nay kinh tế của huyện Vân Canh đã có sự chuyển biến đáng kể. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực; năng suất lao động và thu nhập được tăng lên; Tổng giá trị sản xuất các ngành tăng bình quân hàng năm đạt 14,98%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; Nông – Lâm – Thủy sản 59,9%, công nghiêp – xây dựng 33,4%, thương mại – dịch vụ 7,7%; so với năm 2015, Tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản giảm 16,85%; công nghiệp - xây dựng tăng 21,38%; (Nghị quyết Đại hội đề ra: 60% - 25% - 15%). Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 29,5 triệu đồng/năm, gấp 1,9 lần so với năm 2015 và đạt 80% so với Nghị quyết từ đầu nhiệm kỳ.
Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2020 ước đạt 902,6 tỷ đồng; tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 12,32% (đạt 100% so với Nghị quyết đề ra). Có 01 xã/07 xã, thị trấn đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng năm 2020 ước đạt 512 tỷ đồng; tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19,4% (Vượt 0,07% so với Nghị quyết đề ra). Huyện ủy đã ban hành Chương trình hành động, kế hoạch về phát triển Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn. Chỉ đạo đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất cho 02 Cụm Công nghiệp trên địa bàn. Dự án Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vu Becamex – Bình Định trên địa bản xã Canh Vinh được bổ sung vào quy hoạch chung Khu Kinh tế Nhơn Hội, Thủ tướng Chính Phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư và đang triển khai thực hiện.Thu ngân sách nhà nước phát sinh trên địa bàn hàng năm ước đạt 72 tỷ đồng, tăng bình quân 37,34%/năm (gấp 2,39 lần so với nghị quyết đề ra). Chi ngân sách được điều hành đúng Luật Ngân sách Nhà nước, đảm bảo kế hoạch, tiết kiệm trong chi phí quản lý hành chính, giữ vững cân đối ngân sách; trong đó ưu tiên chi đầu tư phát triển, đáp ứng được cơ bản các nhu cầu chi thường xuyên trên địa bàn. Công tác quy hoạch, quản lý và điều chỉnh quy hoạch được quan tâm thực hiện; Đặc biệt quan tâm thực hiện nhiệm vụ chỉng trang Thị trấn Vân Canh theo quy hoạch.
Hệ thống thương mại, dịch vụ được mở rộng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, mạng lưới phân phối được mở rộng đến nông thôn. Hệ thống giao thông được đầu tư, nâng cấp và xây dựng mới, cơ bản bảo đảm lưu thông thuận lợi, thông suốt hai mùa; kết cấu hạ tầng nông thôn được cải thiện. Kết cấu hạ tầng trung tâm các xã và cụm xã được đầu tư, mở rộng. 46/48 thôn, làng có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ sử dụng diện lưới Quốc gia đạt 94,1%; Có trên 99,94% hộ gia đình ở khu vực nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Hệ thống trường, lớp được chú trọng đầu tư, quy mô mở rộng đã góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội. 100% giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục có trình độ chuyên môn đạt chuẩn trở lên, góp phần thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ của ngành; chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số nói riêng có sự chuyển biến tích cực. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân đã có nhiều tiến bộ. Trung tâm Y tế huyện, trạm Y tế xã được quan tâm đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị; tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sỹ đã được nâng lên; Công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm được quan tâm; 7/7 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; bình quân có 9,07 bác sĩ/1 vạn dân. Trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 13,1%. Các trạm y tế xã, thị trấn đều có bác sĩ, 100% các thôn, làng, khu phố có nhân viên y tế; Công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình được quan tâm, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên duy trì ở mức 1,15%.
Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm được quan tâm chỉ đạo. Đã thành lập và triển khai đầu tư xây dựng Trung tâm dạy nghề của huyện. Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 35,2%, công tác giải quyết việc làm đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học đã được quan tâm bố trí, sắp xếp công việc.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 6,7%/năm; triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Tập trung đầu tư phát triển và hỗ trợ sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn; nhu cầu nhà ở, đất ở, đất sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được quan tâm giải quyết; kết cấu hạ tầng ở địa bàn các xã đặc biệt khó khăn từng bước được đầu tư xây dựng, nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân phát huy hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân trong vùng từng bước được nâng lên.
Chính trị xã hội ổn định, công tác quốc phòng, an ninh được tăng cường; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả âm mưu hoạt động “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch và bọn phản động.Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân tiếp tục được củng cố, tăng cường.
Chặng đường 40 năm phấn đấu trưởng thành vượt qua nhiều khó khăn thử thách, đến nay huyện Vân Canh đã đạt được những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực; chính trị; kinh tế; văn hóa - xã hội; quốc phòng - an ninh; đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Những thành tựu có ý nghĩa hết sức to lớn ấy ngoài sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành còn là sự phấn đấu không ngừng của toàn quân và toàn dân các dân tộc trong huyện Vân Canh. Với truyền thống đoàn kết trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm; năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất; sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, Vân Canh sẽ vững vàng trên con đường đổi mới và phát triển ./.