Thanh niên làng Đăk Đưm chơi bóng chuyền
Phấn đấu toàn diện
Theo quy định, để được công nhận là “Gia đình sức khỏe”, mỗi gia đình cần bảo đảm các tiêu chuẩn gồm: không có người mắc một trong các bệnh truyền nhiễm gây dịch, trẻ em được tiêm chủng đầy đủ, không có trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, không có người bị ngộ độc thực phẩm, có đủ 3 công trình nhà tắm, nhà vệ sinh, nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
Đối với các làng, thôn, để trở thành “Làng văn hóa sức khỏe”, trước hết đơn vị phải được công nhận là Làng văn hóa, đồng thời có đủ các tiêu chuẩn: không có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm có trên 30 người mắc/vụ, có ít nhất 98% hộ gia đình trở lên sử dụng nước sạch nông thôn, có ít nhất 80% gia đình được công nhận là “Gia đình sức khỏe”... Như vậy để được công nhận là “Làng văn hóa sức khỏe” không chỉ có hoạt động văn hóa mà cả các lĩnh vực khác như môi trường, y tế cũng phải được quan tâm, nói cách khác là phải nỗ lực phấn đấu toàn diện.
Sau nhiều nỗ lực, đến nay, huyện Vân Canh đã có 34/48 thôn, làng được công nhận là “Làng văn hóa sức khỏe”, chiếm 70,8% tổng số thôn, làng trên địa bàn, tăng 4 thôn, làng so năm 2016. Do đặt mục tiêu ngay từ đầu, nên trong năm, các hộ gia đình động viên nhau rèn luyện thân thể, tự chăm lo, giữ gìn sức khỏe, phòng chống các tệ nạn xã hội... Trong năm 2017, rất nhiều ca bệnh truyền nhiễm được phát hiện sớm từ gia đình; các loại bệnh, dịch được phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra trên diện rộng, góp phần nâng cao sức khỏe người dân.
Kết hợp các phong trào
Hỗ trợ tích cực cho phong trào xây dựng “Làng văn hóa sức khỏe” ở Vân Canh là hàng loạt các phong trào, cuộc vận động của các ngành, hội, đoàn thể như: Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, 5 không, 3 sạch, thanh niên sống khỏe - sống đẹp, nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi…
Thực tế cho thấy, việc kết hợp nhiều phong trào khiến đời sống của người dân nâng cao, tạo không khí sinh động tại các khu dân cư làm cho kết quả bền vững hơn. Con số thống kê cho thấy: Tỉ lệ người dân tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt hơn 40%; số người mắc các bệnh truyền nhiễm đã giảm đáng kể, hơn 90% trường hợp sinh đẻ tại cơ sở y tế; tỉ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em giảm xuống còn 15,98%; gần 100% trẻ em được tiêm chủng đủ 8 mũi vắc xin; hơn 55% số hộ gia đình có 3 công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn...
Các đợt sinh hoạt văn hóa cộng đồng với nội dung lồng ghép đã thu hút đông đảo người dân đến tham dự. Ngay cả các buổi chiếu phim, trình diễn văn nghệ quần chúng cũng được lồng ghép nhiều nội dung, tuyên truyền chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, giữ gìn vệ sinh môi trường… Sự thay đổi ở làng Đăk Đưm, thị trấn Vân Canh là một điển hình. Những năm trước, việc vận động xây dựng làng văn hóa không thôi đã không dễ dàng gì. Nhưng từ những hộ hạt nhân đầu tiên, người dân thấy rằng việc tham gia ủng hộ phong trào xây dựng làng văn hóa sức khỏe mang lại nhiều lợi ích, dần dần bà con rủ nhau hưởng ứng phong trào. Đặc biệt ý thức phòng chống bệnh tật của đồng bào thay đổi tích cực thấy rõ. Khi đau ốm, bà con nghĩ ngay đến việc phải tới bệnh viện, không ai nghĩ đến cúng ma nữa. Thậm chí người dân còn tập thói quen đổ rác đúng nơi quy định, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Ông Đoàn Văn Dặm, trưởng làng Đăk Đưm, cho biết: Đã 5 năm liền làng giữ vững danh hiệu làng văn hóa sức khỏe. Hiện nay 81,6% số hộ trong làng có hố xí hợp vệ sinh, 100% hộ sử dụng nước sạch, tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 18%, nhiều năm liền không có dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Phong trào xây dựng “Làng văn hóa sức khỏe” đã góp phần cải thiện chất lượng đời sống của người dân. Tại Kỳ họp HĐND huyện cuối năm 2017, HĐND huyện đã ra nghị quyết phấn đấu đến cuối năm 2018 có thêm 2 thôn, làng đạt danh hiệu “Làng văn hóa sức khỏe”.