Lực lượng CA thăm, động viên già làng Mai Thanh Vân.
Chúng tôi đến thăm già làng Mai Thanh Vân ở làng Suối Đá (xã Canh Hiệp). Bà con trong làng quen gọi ông bằng cái tên già Vân. Ngôi nhà cấp 4, ngoài tấm chân dung Bác Hồ được đặt ở vị trí trang trọng, trên tường còn treo nhiều giấy khen ghi nhận về sự đóng góp của ông đối với địa phương. Khởi đầu câu chuyện, thượng tá Cái Minh Long, Phó trưởng CA huyện Vân Canh, cho biết: “Dân làng quý già Vân lắm. Trong làng có chuyện gì khuất tất hoặc va chạm trong cuộc sống, già Vân dàn xếp là sẽ ổn “. Những năm 1980, nghe theo Đảng, ông là người tiên phong bỏ chốn thâm sơn cùng cốc về lập làng xây dựng cuộc sống mới. Trong gian khó, ông làm đội trưởng sản xuất, tích cực vận động bà con bỏ thói canh tác cũ, tìm tòi áp dụng KHKT chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng tự làm giàu bằng đất rừng, giảm phá rừng làm rẫy. Riêng ông, hàng năm thu nhập từ keo, mì, nuôi heo rừng giống hàng trăm triệu đồng.
Ông cùng Ban quản lý làng đề ra nhiều quy ước xây dựng làng văn hóa, trong đó có “không sa đà uống rượu say”. Chị Đinh Thị Lan, người cùng xóm giãi bày, nếu không có già Vân khuyên giải bỏ rượu thì vợ chồng chị đã ly tán, 2 đứa con cũng không trưởng thành như bây giờ. Già Vân còn là sứ giả hòa giải, vận động con em trong làng không bỏ học, không tảo hôn. Nhiều vụ xâm canh, xâm cư dẫn đến mâu thuẫn nhau giữa làng này, làng nọ, bằng uy tín của mình già Vân cùng chính quyền giải quyết phù hợp với phong tục, tập quán, chỉ rõ cái sai mà khắc phục, không để kéo dài gây phức tạp cho xã hội.
Chia tay già Vân, chúng tôi đến nhà già làng Lê Văn Ru, dân tộc Chăm ở làng Hiệp Hội, thị trấn Vân Canh. Dù đã 79 tuổi nhưng ông vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, gương mẫu, xông xáo trong tất cả các hoạt động của làng. Ngoài truyền đạt, chia sẻ kinh nghiệm, giúp bà con cùng sản xuất, chăn nuôi bò, dê phát triển kinh tế, ông còn vận động bà con chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, chấp hành quy ước của làng như không uống rượu, không theo tà đạo, không gây rối. Không chỉ là người uy tín ở làng, khi nghe những làng khác có chuyện bất hòa, ông cũng tự tìm đến nắm tình hình để hòa giải. Ở làng Kà Xim (Canh Thuận), ông Sâu Zuôn Nam cũng là hạt nhân tích cực ngăn chặn việc tuyên truyền đạo trái pháp luật, giải quyết tốt các hủ tục lạc hậu như nghi kỵ cầm đồ thuốc độc, ma gang, bóp trứng gà. Ông cũng là người đi đầu và vận động bà con chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế nên được bà con tín nhiệm.
Theo thống kê, huyện Vân Canh có 102 già làng và người có uy tín. Đó là những hạt nhân tích cực, làm nòng cốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào “3 không”. Hầu hết họ đều tham gia vào các tổ an ninh nhân dân, tổ hòa giải, tổ tự quản của làng. Vì vậy, đến nay có 20/28 làng đạt danh hiệu Làng văn hóa, trong đó có 4 làng đạt Làng văn hóa cấp tỉnh, 72% hộ bà con dân tộc đạt chuẩn gia đình văn hóa. Nhiều làng nhiều năm liền không xảy ra tội phạm.
Đại tá Trần Thái Học, Trưởng CA huyện Vân Canh, khẳng định: “Các vị già làng, người có uy tín bằng kinh nghiệm và hiểu biết đã có nhiều ý kiến đóng góp quý báu trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Họ thực sự là cầu nối bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của bà con đến với các cấp chính quyền, đồng thời tham gia đóng góp ý kiến để triển khai các chương trình phát triển KT-XH, các chính sách an sinh xã hội, đấu tranh ngăn chặn các tà đạo xâm nhập, đẩy lùi các tập tục lạc hậu, giữ gìn bản sắc văn hóa riêng cho dân tộc mình. Đó là thế trận an ninh nhân dân vững chắc, góp phần cùng lực lượng công an giữ yên tình hình an ninh tuyến núi”.