Thực hiện giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng ở Vân Canh: Hiệu quả thiết thực

Thứ sáu - 29/03/2019 15:26
Thời gian qua, huyện Vân Canh đã thực hiện có hiệu quả chính sách giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng cho người dân, làm thay đổi nhận thức của bà con về việc bảo vệ và phát triển rừng, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

 Lực lượng chức năng ở Vân Canh tuần tra, kiểm soát rừng.

Lực lượng chức năng ở Vân Canh tuần tra, kiểm soát rừng.

Ông Đoàn Văn Tây, Giám đốc Ban quản lý (BQL) Rừng phòng hộ Vân Canh, cho biết: Từ năm 2011 đến nay, BQL đã giao khoán cho trên 1.300 hộ dân và một đơn vị lực lượng vũ trang nhận quản lý, bảo vệ rừng (QL-BVR) với diện tích trên 16.687 ha. Từ năm 2011 đến nay, BQL đã thực hiện chi trả tiền nhận khoán chăm sóc, BVR gần 13,23 tỉ đồng.

Việc giao khoán rừng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp bà con có sinh kế, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ và tăng thu nhập, từ đó tạo động lực cho đồng bào tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Nhiều làng còn xây dựng quy ước, hương ước BVR, phân công lịch tuần tra kiểm tra theo từng khu vực rừng đã nhận khoán.

Ông Đinh K’Rép, Trưởng BQL làng Cát, xã Canh Liên, là tổ trưởng tổ BVR ở đây, cho hay: “Từ khi nhận khoán BVR, bà con có ý thức, trách nhiệm chăm sóc và BVR, tình trạng xâm lấn rừng giảm mạnh; đời sống bà con được cải thiện. Mỗi tuần, tổ, nhóm phân công từ 10-15 hộ thay phiên nhau đi kiểm tra khu vực rừng nhận khoán, kịp thời phát hiện các vụ vi phạm lâm luật, báo ngay cho chủ rừng”.

Ông Nguyễn Văn Thanh, dân làng Canh Giao, xã Canh Hiệp, bộc bạch: “Nhờ nhận khoán chăm sóc, BVR, bà con trong làng có thêm tiền mua sắm, tiêu dùng, sửa chữa lại nhà cửa và cho con cái ăn học. Bà con xem việc nhận khoán chăm sóc, BVR là một nhiệm vụ phải làm và ra sức giữ gìn, quản lý không cho đối tượng xấu xâm hại rừng”.

Ông Phạm Văn Lộc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh, nhận xét: “Việc giao khoán chăm sóc, BVR cho người dân giúp ngăn chặn kịp thời tình trạng đốt nương rẫy, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép... Bà con còn kiến nghị đề xuất với UBND xã, thị trấn chỉ đạo kiểm lâm địa bàn xây dựng các phương án BVR. Nhờ đó, số vụ vi phạm về rừng và cháy rừng trên địa bàn giảm đáng kể, đời sống của bà con dần ổn định.

Thực tế cho thấy, việc giao khoán rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện không những giúp BQL Rừng phòng hộ Vân Canh và các ban, ngành liên quan giải quyết được những khó khăn trong công tác QL-BVR do thiếu hụt nguồn nhân lực, mà còn góp phần giảm thiểu tình trạng mất rừng và nâng cao chất lượng rừng, tăng độ che phủ rừng trên toàn huyện lên 69,9%.

Để chính sách giao khoán chăm sóc, BVR ngày càng phát huy hiệu quả, huy động được nguồn lực của người dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng, các đơn vị chủ rừng cần tăng cường phối hợp với các địa phương tăng diện tích giao khoán rừng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc chi trả tiền BVR cho người dân; xây dựng các mô hình hỗ trợ người dân phát triển kinh tế dưới tán rừng; đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng đến người dân.


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn